Nguyên nhân chủ quan và khách quan
Trước hết đó là do ý thức rèn luyện chữ viết của càc em hầu như
không có, nhiều em học sinh và cả các bậc phụ huynh cho rằng, chữ viết ngày nay
không còn quan trọng, nhất là phần lớn học sinh có xu hướng theo học khối A,B.
Thậm chí còn có ý kiến cho rằng ở thời đại công nghệ thông tin phát triển
mạnh mẽ như ngày nay, chỉ cần có trí tuệ là đủ, vì tất cả đã có
máy tính “viết” thay tay người. Theo chúng tôi, suy nghĩ đó hoàn toàn lệch lạc
bởi việc rèn chữ cho các em học sinh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường càng
trở nên cần thiết, vì rèn chữ cũng chính là rèn tính nết của con người.
Mặt khác, còn phải nói tới nguyên nhân là sự thiếu quan tâm, rèn
luyện của đội ngũ thầy cô giáo. Áp lực công việc, thời gian chăm sóc gia đình,
con cái cùng với ý thức trách nhiệm còn hạn chế, cho nên không ít giáo viên còn
thiếu quan tâm nhận xét về chữ viết, bài làm của học sinh.
Việc các em phải đầu tư thời gian cho học chính khóa, rồi học
thêm; thậm chí là học cả ngày lẫn đêm ảnh hưởng lớn đến lượng thời gian dành
cho đầu tư luyện chữ viết. Càng học lên cao càng phải ghi nhanh để kịp bài
giảng cho nên chữ viết ngày càng xấu.
Không chỉ có chữ viết xấu, mà nhiều học sinh còn viết sai lỗi
chính tả, nhiều em không biết phân biệt và sử dụng đúng các loại dấu câu; lại
cẩu thả trong khâu trình bày cho nên bài làm của các em nhiều khi bị
trừ điểm.
Ngoài ra, khả năng đọc và cảm nhận các loại văn bản, các bài
văn, bài báo, các trang sách của nhiều học sinh rất yếu, không thể hiện được
cái hồn của bài học, thậm chí qua cách đọc của các em làm cho người nghe có thể
sẽ hiểu sai hoặc không hiểu được hết dụng ý của tác giả. Vô hình trung, văn hóa
đọc cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong lúc thế giới đang chọn một ngày
trong năm làm ngày đọc sách. Hơn thế nữa nét chữ cũng được xem là nết
người. Qua chữ viết, qua các bài học, qua các bài kiểm tra định kỳ, học
sinh vừa thể hiện được kiến thức vừa thể hiện được đặc điểm, tính cách của
mình, qua đó tạo được tình cảm đối với người đọc và chấm bài.
Rèn chữ không chỉ là rèn tính kiên trì, cẩn thận mà trên hết còn
rèn tính kỷ luật và văn hoá viết ở mỗi em. Với xu hướng học lên càng cao thì
thi cử chủ yếu bằng hình thức trắc nghiệm, chính điều này cũng đã tạo cho học
sinh thói quen là trong các bài kiểm tra, hay thi cử, chỉ cần đánh dấu vào các
đáp án đã có sẵn nếu đúng là có điểm; nên không có cơ hội và cũng không cần rèn
luyện kỹ năng viết. Đặc biệt không ít học sinh còn “kế thừa” nét chữ từ phía
người thầy của mình cũng không phải là ngoại lệ.
Hậu quả của việc chữ viết xấu là vô cùng to lớn, mà trước hết là
ảnh hưởng đến kết quả thi cử của các em, trong các kỳ thi cuối cấp thi tốt
nghiệp hay các bài kiểm tra định kỳ, nhiều học sinh thiếu điểm cũng
chỉ vì chữ xấu; thầy cô khi chấm các bài kiểm tra sẵn sàng cho điểm
thấp cũng chỉ vì “chữ không ra chữ”, rất khó đọc; đối với các môn khoa học tự
nhiên, chữ xấu còn có thể châm chước vì chủ yếu xem kết quả bài làm thể hiện
bằng các con số, còn khó khăn nhất là đối với các môn khoa học xã hội, mỗi khi
phải làm nhiệm vụ chấm bài kiểm tra của các em viết chữ xấu rất khó đọc thì đó
thật sự là “cực hình” ! Nhiều khi định nhắm mắt “định lượng” bài kiểm tra thay
cho “định tính” để chấm điểm cho đỡ “phiền”, nhưng vì gánh trên vai hai chữ
“trách nhiệm” thiêng liêng, thế là nhiều thầy cô phải “ngậm đắng nuốt cay”, cố
làm cho trọn bổn phận chứ chẳng hề có chút hưng phấn nào?
Giải pháp khắc phục
Ông cha ta từ xưa đã khẳng định: “nét chữ – nết người”. Đã đến
lúc toàn ngành giáo dục phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện tượng chữ
xấu và viết sai chính tả hiện nay của học sinh, đồng thờ cần có những giải pháp
đồng bộ, tích cực và hiệu quả để góp phần rèn luyện chữ viết cho học sinh. Theo
chúng tôi, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: Muốn góp phần trau dồi, rèn
luyện chữ viết một cách có hiệu quả cho học sinh, trước hết cần giúp các em
hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc rèn luyện chữ viết, giúp trau dồi các kỹ
năng viết chữ đúng và đẹp, biết cách trình bày bài; hơn nữa còn giúp các em có
đức tính kiên trì, cẩn thận. Trong nhà trường, việc rèn chữ cho học sinh cũng
chính là rèn tính cách cẩn trọng, lòng tự trọng để sau này khi rời khỏi ghế nhà
trường, các em sẽ mang theo những hành trang không chỉ là kiến thức mà còn là ý
thức kỷ cương, đức tình cẩn thận, kiên trì lúc bước vào đời.
Thứ hai: Bên cạnh đó, mỗi thầy cô giáo
cũng phải không ngừng trau dồi chữ viết, nhất là khâu trình bày bảng mỗi khi
lên lớp để cho các em noi theo. Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giảng dạy,
chúng tôi nhận thấy rằng, ở đâu và khi nào thầy cô giáo trình bày bảng sạch
đẹp, khoa học thì ở đó và khi đó, khả năng tiến bộ và “bắt chước” của các em
thường cao hơn. Bởi vậy, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo
đức về tự học và sáng tạo” cần được triển khai và thực hiện một cách đầy đủ,
nghiêm túc có hiệu quả.
Thứ ba: Phía Nhà trường, hằng năm cần
phải kết hợp với các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, công đoàn nhà
trường, chi đoàn cán bộ giáo viên… nên triển khai tổ chức các cuộc thi “vở sạch
chữ đẹp” hay nhân rộng phong trào “chữ Việt đẹp” trong mỗi đoàn viên thanh
niên, các khối lớp và cán bộ giáo viên để khuyến khích phong trào viết chữ đẹp;
đánh thức thói quen và khả năng rèn luyện, trau dồi chữ viết ở mỗi người, đồng
thời có hình thức động viên khen thưởng kịp thời cả thầy và trò. Việc này không
chỉ có tác động thúc đẩy và phát huy vai trò của người giáo viên, động viên
khích lệ các thầy cô giáo chăm lo rèn luyện chữ viết mà còn góp phần trong việc
duy trì những nền nếp thói quen tốt trong học tập của học sinh. Chắc chắn, nếu
chúng ta làm được việc này một cách thường xuyên thì ắt sẽ có tác dụng “mưa dầm
thấm lâu”.
Thứ tư: Bên cạnh đó, mỗi thầy giáo, cô
giáo trong quá trình giảng dạy và làm công tác giáo dục cũng cần phát huy hết
tinh thần trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, đánh giá chữ viết của học
sinh, nhất là thông qua việc chấm bài và trả bài kiểm tra cũng cần phải dành
một lượng thời gian nhất định cho việc đánh giá chất lượng bài làm, nhất là
khâu chữ viết và trình bày bài làm của các em để các em có điều kiện nhận biết
những điều được và chưa được, những khiếm khuyết của bài làm, qua đó các
em rút kinh nghiệm cho những lần sau. Đặc biệt là đối với giáo viên
bậc tiểu học được xem là “chìa khóa” tạo ra nền tảng chữ viết cho các em sau
này. Muốn vậy, nhà nước cũng cần có lộ trình từng bước nâng cao thu nhập cho
cán bộ giáo viên, để họ yên tâm công tác và cống hiến cho nghề nghiệp, tránh
hiện tượng phân tâm như hiện nay đối với không ít giáo viên, vừa phải dạy học,
vừa phải chạy vạy lo toan cho cuộc sống cơm áo, gạo tiền nên không thể toàn
tâm, toàn trí dốc hết công sức cho sự nghiệp trồng người.
Thứ năm: Bộ giáo dục cũng nên xem xét
lại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định về chế độ làm việc đối với
giáo viên phổ thông, bao gồm: định mức tiết dạy, chế độ giảm định mức tiết dạy
và quy định các hoạt động khác quy ra tiết dạy nhưng không có quy định về chế
độ chấm bài, cho nên việc cắt chế độ tiền chấm bài của giáo viên là không hợp
lý; bởi theo chúng tôi, đành rằng việc chấm bài cũng là trách nhiệm của nhà giáo,
tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi mà sức ép về thu nhập và trách nhiệm
rất lớn của công việc chấm bài đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức
của nhà giáo, thế nên việc có chi trả chế độ chấm bài cho cán bộ giáo viên
không chỉ có ý nghĩa động viên hàng triệu thầy cô giáo có trách nhiệm hơn, yêu
nghề hơn mà còn góp phần không nhỏ trong việc cải thiện thu nhập cho họ. Đặc
biệt là đối với cán bộ giáo viên dạy các môn xã hội. Đơn cử như người viết bài
này, do đặc trưng bộ môn nên hầu như năm nào cũng phải dạy từ 13 đến 15 lớp,
riêng học kỳ I năm học 2011-2012 này phải dạy đến 17 lớp, còn người bạn đồng
môn thì phải dạy lên đến 20 lớp. Như vậy, một phép tính đơn giản nhân lên thì
số bài kiểm tra phải chấm/học kỳ của chúng tôi quả là khó tưởng tượng…
Thứ sáu: Về phía gia đình mà trước hết là các
bậc làm cha, làm mẹ cũng cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa để theo dõi uốn
nắn, động viên kịp thời con em mình trong khâu rèn luyện chữ viết. Thực tế, về
mặt kiến thức, ngày nay do đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, nhiều
bậc cha mẹ không có khả năng “dạy” cho con, nhưng về mặt kỹ năng rèn
luyện chữ viết thì ai cũng làm được; tránh tình trạng như hiện nay là không ít
bậc cha mẹ coi việc giáo dục con cái đều “khoán” cho thầy cô và nhà trường./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét